Cấu hình 1 chiếc desktop cho Window Vista




Thế giới máy tính Windows hiện tại đang đứng trước một giai đoạn mới. Trong vài tháng nữa, Microsoft sẽ thay thế Windows XP cũ kĩ bằng một thế hệ hoàn toàn mới - Windows Vista.

Phiên bản HĐH mới này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng mua sắm thiết bị phần cứng vào năm 2007. Vista có tính bảo mật tốt hơn và thuận tiện hơn cho việc sử dụng, nhưng nó kén chọn phần cứng hơn. Thêm vào đó, việc chạy đua giới thiệu công nghệ mới của các nhà sản xuất linh kiện đẩy người dùng vào thế khó khi muốn lựa chọn cho mình một món hàng hợp lý và thỏa mãn nhu cầu.

I. Nền tảng hệ thống


Tính đến thời điểm này, Core 2 Duo được tung ra thị trường đã vài tháng, tuy nhiên Intel đã bắt đầu đưa ra thế hệ Core 2 Quad với đại diện là QX6700. Xét về hiệu năng đơn thuần, nó hơn hẳn dòng lõi kép Core 2 Extreme X6800 nhưng người dùng cần tới những ứng dụng có khả năng tận dụng được đầy đủ sức mạnh của cả 4 lõi. Dĩ nhiên AMD – đối trọng lớn nhất của Intel về CPU cũng có câu trả lời của họ với hệ thống 4x4: bo mạch chủ 2 socket cho phép chạy 2 BXL lõi kép.

Sự phát triển của CPU không phải là thứ duy nhất đáng quan tâm, hiện tại nVIDIA đã chính thức tung ra dòng GPU G80 mới với tên thương mại là GeForce 8800 và những thay đổi do kiến trúc DirectX10 thực sự đem lại ấn tượng mạnh. Tuy nhiên những ai mong muốn sử dụng công nghệ đồ họa kép của nVIDIA SLI nên sử dụng AMD AM2, những hệ thống SLI cho Core 2 Duo hiện tại chưa có hiệu năng cao do chipset bị hạn chế, tuy vậy với dòng nForce 680i SLI sắp ra, nVIDIA sẽ có thể thay đổi tình thế. ATI Crossfire nằm trong tình thế hoàn toàn ngược lại: Crossfire cho AM2 cực kì hạn chế trong khi các chipset Intel hỗ trợ Crossfire như 975x lại tràn ngập thị trường. Vì vậy, chúng ta sẽ tập trung theo 2 nhóm hệ thống chính là AMD AM2 với nVIDIA SLI và Intel Core 2 Duo với ATI Crossfire.

Chúng ta cũng cần quan tâm tới case, màn hình và những thiết bị phần cứng khác nhưng chúng sẽ phụ thuộc ít nhiều vào nền tảng hệ thống.

A. AMD và nVIDIA SLI

Chúng ta khởi đầu với hệ thống AMD, bạn sẽ khá ngạc nhiên khi với giá hợp lý có thể mua được hệ thống mạnh: một BXL tốc độ cao, card đồ họa kép, 2GB RAM và ổ cứng dung lượng lớn.

Bo mạch chủ:


Bo mạch chủ sẽ là thứ đầu tiên bạn phải quan tâm do nó quyết định hệ thống bạn sắp xây dựng mạnh hay yếu. Một máy tính mạnh chắc chắn phải được trang bị 2 khe PCI-Express x16 với băng thông đúng mức x16 cho hệ đồ họa kép. Tuy nhiên thực tế card đồ họa PCI-Express hiện tại chưa tận dụng hết băng thông x16 nên ngay cả trong chế độ SLI thế hệ đầu, PCI-E X8 cho mỗi card cũng cho hiệu năng không khác biệt nhiều. Đối với nền tảng AMD, không thể phủ nhận vị trí dẫn đầu của nForce 590 với bo mạch chủ DFI LanpartyUT nForce 590 SLI-M2R dành cho người dùng cấp cao. Nó được trang bị tụ điện nhôm mới rất bền và cho hiệu quả ép xung cao, ổn định cộng với dáng vẻ sành điệu, tuy nhiên nếu xem xét những giải pháp giá rẻ hơn như MSI K9N-SLI Platinum với chipset 570SLI, bạn sẽ tiết kiệm được tiền mà vẫn giữ được hiệu năng cao. Về vấn đề Crossfire cho AM2, hiện tại chỉ có 3 bo mạch chủ sử dụng chipset RD580 AM2 trên thị trường, một trong số đó không đáng để quan tâm, còn lại hai đối tượng chính đến từ MSI và Asus thì MSI K9A Platinum có giá rẻ hơn so với Asus M2R32-MVP. Cả hai sản phẩm này đều đáp ứng nhu cầu xây dựng hệ thống AMD Crossfire một cách hoàn hảo.

CPU:


Lựa chọn BXL, dĩ nhiên chip lõi kép là hướng đi tối ưu nhất. Windows Vista hỗ trợ đa xử lý tốt hơn nhiều so với Windows XP. Tuy nhiên việc tìm kiếm các chip Athlon64 X2 hiện tại khá khó khăn, đặc biệt là ở Việt Nam. Chip X2 4600+ sẽ là lựa chọn hợp lý vì hiện tại giá khá rẻ. Ép xung cũng là một yếu tố bạn có thể xem xét, hầu hết các chip AM2 có thể "kéo" thoải mái lên 2.6-2.8Ghz mà không cần thiết bị làm mát quá cao cấp. Bạn có thể chọn các dòng chip thấp hơn để tiết kiệm tiền nếu tự tin vào khả năng ép xung của mình.

RAM:

Việc lựa chọn bộ nhớ vào thời điểm hiện tại phức tạp hơn nhiều. Trong vài tháng qua, giá RAM tăng chóng mặt lên gần gấp rưỡi. Nếu dự định sử dụng Vista để chơi game và chạy nhiều ứng dụng nặng, bạn sẽ phải cần ít nhất 2GB RAM. Hiện tại cả hai nền tảng mới của AMD và ATI đều sử dụng DDR2 nên việc sử dụng DDR2 là điều hiển nhiên. DDR2-800 với độ trễ Cas Latency 4 là thứ bạn nên tìm kiếm để sử dụng với AM2, các thương hiệu nổi tiếng gồm có: G.Skill, GeIL, Mushkin, Corsair, OCZ... Về cơ bản nếu bạn mua RAM có cùng thông số kĩ thuật thì sự cách biệt về tốc độ giữa các nhà sản xuất là không nhiều, trong trường hợp đó bạn chỉ cần lưu ý về giá thành và chế độ bảo hành là ổn. Trong trường hợp dòng RAM tốc độ cao, bạn có thể tham khảo một vài series DDR2-1000, hầu hết các loại RAM này có thể chạy được mức 800Mhz với độ trễ thấp (khoảng 3-3-3) với điện năng tăng cường vào khoảng 2.1v-2.2v.

Đồ họa:

Dĩ nhiên khi đã chọn mua bo mạch chủ SLI, bạn sẽ quan tâm tới hệ thống đồ họa kép của nVIDIA. Tuy nhiên theo kinh nghiệm sử dụng thực tế cho thấy bạn nên cố gắng mua card đơn nhanh nhất, trước khi tính tới giải pháp kép. Nói nôm na, bạn nên mua một card 7900 thay vì chọn giải pháp SLI 2x7600. Nếu tài chính có thể đạt tới tầm mua được 7950GX2 hoặc cao hơn nữa lên dòng 8800, có nhiều giải pháp mới sẽ xuất hiện: hai card 7900GTO và 7950GT sẽ là lựa chọn tốt cho một vài tháng tới. 7900GTO được thiết kế cơ bản dựa trên 7900GTX với hệ thống tản nhiệt cao cấp hơn, xung nhịp thấp hơn và dễ dàng ép xung lên mức ngang ngửa 7900GTX nguyên bản. Tuy nhiên điểm yếu của nó là sử dụng hết 2 khe phía sau case và chưa hỗ trợ bảo vệ bản quyền số HDCP. Dòng 7950GT có xung nhịp thấp hơn nhưng chỉ dùng một khe sau case và có hỗ trợ HDCP. Tuy nhiên nó đắt hơn 7900GTO và ồn ào hơn nhiều. Nhìn chung, 7900GTO là lựa chọn tốt hơn. Dĩ nhiên nếu dư dả, bạn có thể chọn 7900GTX, hiện tại do nVIDIA đã tung ra Series 8 nên các card Series 7 giảm giá tương đối nhanh, tuy nhiên nếu đủ kiên nhẫn chờ thêm một thời gian nữa, khi các card cấp thấp của dòng 8000 được tung ra Series 7 sẽ nhanh chóng đi vào dĩ vãng. Một giải pháp nữa, nếu bạn yêu cầu rất cao về hiệu năng thì đó chính là Quad-SLI, tuy nhiên thực tế cho thấy hiệu năng tổng thể, độ tương thích và tính ổn định không được tốt. Nếu dự kiến mua màn 30" LCD với độ phân giải game 2560x1600, Quad-SLI đáng giá nhưng bạn đừng ngạc nhiên nếu gặp trục trặc trong quá trình cài đặt.

B. Intel và ATI Crossfire

Nền tảng Intel về cơ bản tương tự như AMD tuy có khác biệt về CPU, RAM và bo mạch chủ. Do cấu trúc của Core 2 Duo có nhiều cải tiến nên khả năng tận dụng băng thông bộ nhớ tốt hơn so với AM2, chưa kể bạn sẽ cần RAM chất lượng cao để ép xung với tỉ lệ tốc độ CPU Bus/Ram Divider 1:1.


Bo mạch chủ:

Các bo mạch chủ Core 2 Duo dựa trên nền chipset P965 hiện nay đã có nhiều lựa chọn hơn, ngoài ra Intel cũng tung ra nhiều dòng mới như G965 với đồ họa tích hợp. Tuy nhiên trong hầu hết trường hợp, 975X vẫn cho hiệu năng cao hơn. Vào thời điểm hiện tại bạn đã có thể sử dụng Crossfire với P965, tuy nhiên hiệu năng không được cao và giá thành cũng chưa giảm. Nếu ít chơi game và muốn ép xung lên bus cao thì hướng đi 965 có thể chấp nhận được, tuy nhiên nhìn một cách tổng quan, 975X là lựa chọn tốt hơn. Phiên bản 975X Platinum đầu tiên của MSI có nhiều vấn đề, tuy nhiên khi hãng này tung ra 975X Platinum Power Up Edition, đây lại là một sản phẩm rất tốt. Mặc dù phiên bản cũ hiện tại hầu như không còn xuất hiện, bạn vẫn phải hết sức chú ý khi mua vì chúng có cùng số hiệu mã sản phẩm. Một vài giải pháp khác
bạn có thể quan tâm là Abit AW9D hoặc AW9D-Max, nhưng nếu đang muốn tìm bo mạch chủ 975X tốt nhất hiện nay, Asus P5W DH Deluxe đang nắm giữ vị trí này. Trong nhiều thử nghiệm, sản phẩm này dễ dàng đạt bus hệ thống 400Mhz trong khi vẫn đảm bảo tính ổn định và cung cấp khả năng hỗ trợ Crossfire 2 x8. P5W DH Deluxe có đầy đủ tiềm năng cần thiết cho phép người dùng xây dựng hệ thống máy tính desktop cao cấp nhất hiện nay. Nó cũng hỗ trợ cả Core 2 Quad QX6700. Hiện tại mức giá trên thị trường Việt Nam vào khoảng 268 USD. Một thời gian nữa, khi nForce 680i SLI của nVIDIA trở nên thông dụng hơn, đây sẽ là giải pháp hợp lý cho đồ họa kép SLI trên nền Core 2 Duo. Bạn có thể chờ đợi nếu cảm thấy hứng thú.

CPU:

Đối với CPU Core 2 Duo, bạn có nhiều lựa chọn tốt. Dĩ nhiên giải pháp cấp thấp AllenDale E6300/E6400 kèm theo ép xung cho tỉ lệ giá thành/hiệu năng tốt nhất, tuy nhiên nó lại phụ thuộc một phần vào may mắn và kĩ năng của bạn. Mặc dù vậy giải pháp này vẫn cho hiệu quả cao hơn hầu hết các hệ thống AMD hiện nay. Nếu chưa đủ thỏa mãn, các chip E6600 và 6700 thuộc dòng Conroe sẽ vào cuộc dù giá của chúng vẫn còn khá cao. Đặc biệt riêng dòng E6600, nếu mát tay ép xung, bạn có thể đạt được mức hiệu năng của X6800 ở tốc độ 3Ghz khá dễ dàng, ngay cả khi ở mức mặc định 2.4Ghz, nó cũng không thua kém gì FX62 của AMD mà giá chỉ bằng một nửa. Dĩ nhiên đỉnh cao tốc độ của Core 2 Duo hiện tại vẫn thuộc về Core 2 Extreme X6800. Nó không thua kém bất cứ CPU nào khác về điểm số trong các phép thử benchmark. Tương tự như với dòng FX của AMD, X6800 không bị khóa hệ số nhân và với kiến trúc mới của Core 2, khả năng ép xung của X6800 rất hứa hẹn.

RAM:

Như đã đề cập, bạn cần RAM tốt hơn cho Core 2 Duo so với AM2. Một ví dụ điển hình là OCZ Titanium VX2 được định mức tốc độ mặc định ở DDR2-1000 và điện năng chịu được tới 2.4V. Các loại RAM tốc độ trên 1000Mhz thường có độ trễ lớn hơn khiến cho tốc độ gia tăng không thực sự ấn tượng. Hơn thế nữa giá của chúng cũng khá cao. Tuy nhiên nếu bạn chi gần 1000 USD cho CPU, có thể bạn sẽ muốn đạt được mức hiệu năng tốt nhất trên mọi thành phần linh kiện.

Đồ họa:

Sự lựa chọn bo mạch chủ và chipset sẽ tác động đến giải pháp đồ họa của hệ thống. Đối với Intel, bạn có thể lựa chọn ATI Radeon X1900XTX với Crossfire. Xét tổng quát thì Radeon X1900 Crossfire nhanh hơn so với 7900 SLI đồng thời chi phí cũng cao hơn. Hiện nay, thế hệ mới Radeon X1950 đã xuất hiện với hai đại diện chính là X1950XTX và X1950 Pro, chúng có nhiều ưu điểm hơn so với đàn anh đi trước. Ngoài việc hỗ trợ hoàn hảo HDCP (quan trọng đối với Vista) thì cả hai card này (cùng với Radeon X1650) bắt đầu sử dụng cơ chế Native Crossfire tích hợp nhằm đơn giản hóa việc lắp ráp và cài đặt đồ họa kép. Cơ chế mới này cũng dùng cầu nối và có nhiều đặc điểm giống như SLI của nVIDIA. Thêm vào đó, dòng card mới có sẵn hai bộ truyền tín hiệu TMDS song song cho phép người dùng sử dụng hai màn hình cỡ lớn với độ phân giải lên tới 2560x1600 hoặc thậm chí cao hơn thông qua giao tiếp DVI Dual-Link. Việc xử lý tín hiệu video xuất qua cổng S-Video Out được chip ATI Rage Theater nổi tiếng đảm nhận. Đâu là những tính năng đặc biệt quan trọng khi HDTV và những chuẩn video độ nét cao trên đĩa BluRay và HD-DVD đang xuất hiện. Riêng dòng Radeon X1950XTX còn được trang bị DDR4 tốc độ 2GHz, khi đi kèm với phiên bản trình điều khiển mới nhất sẽ có cải thiện về hiệu năng. Sức ép từ Series GeForce 8000 của nVIDIA sẽ nhanh chóng đẩy Crossfire Radeon X1950 XTX trong thời gian tới trở thành một trong những lựa chọn về hệ đồ họa hợp lý nhất.

II. Thiết bị lưu trữ

Hiện tại giá thành ổ cứng khá rẻ và tốc độ lại rất tốt. Bạn có thể lựa chọn từ 250GB trở lên tùy theo nhu cầu. Với bộ đệm 16MB, hỗ trợ NCQ và SATA0-2, Barracuda 7200.10 của Seagate đang là sản phẩm có giá thành tốt nhất. Bạn cũng có thể xem xét những model dung lượng 320GB trở lên vì số tiền phải chi thêm không nhiều. Mặc dù không cần thiết phải có tới 2 ổ cứng trong cùng một máy tính nhưng nếu lắp như thế bạn có thể tận dụng được ưu thế tốc độ hoặc tính an toàn dữ liệu của RAID-0 hoặc RAID-1. Ngay cả khi không muốn sử dụng RAID, hiệu năng cũng có thể được cải thiện trong Windows bằng cách đặt các file tráo đổi cũng như ứng dụng sang ổ đĩa cứng thứ hai. Dĩ nhiên với 2 ổ đĩa, tổng dung lượng lưu trữ cũng sẽ gia tăng. Một số nhà sản xuất lại đi theo hướng phát triển các loại ổ đĩa tốc độ cực cao như Western Digital với dòng Raptor, tuy nhiên điểm yếu của các ổ loại này là dung lượng khá bé nhưng giá thành lại cao. Nhìn chung không có một công thức nào cụ thể cho việc lựa chọn ổ cứng, bạn phải tự đánh giá nhu cầu cá nhân và chọn mức dung lượng cũng như kiểu cấu hình phù hợp.

Một thiết bị không thể thiếu trong hệ thống của bạn vào năm 2007 là ổ quang với khả năng ghi đĩa (đây cũng là yếu tố được yêu cầu trong Windows Vista Premium). Với HD-DVD và Blu-Ray đang ngấp nghé đe dọa, giá ổ DVD-RW đang giảm mạnh hơn bao giờ hết. Bạn cũng có thể tính đến giải pháp trang bị 2 ổ quang của hai hãng sản xuất khác nhau trong hệ thống của mình để đảm bảo tính tương thích tốt nhất đối với các loại đĩa. Tuy những hứa hẹn công nghệ mà Blu-Ray cũng như HD-DVD mang lại rất hấp dẫn nhưng chúng còn quá mới chưa khẳng định được vị thế trên thị trường kèm theo mức giá còn quá cao.

III. Màn hình, case và phụ kiện


Sau khi đã gom đủ các thành phần chính, bạn sẽ cần case để gắn chúng vào. Sau đó sắm thêm nguồn, bàn phím, chuột và loa là mọi thứ sẵn sàng. Nếu đang sử dụng máy cũ, bạn có thể tận dụng lại một số linh kiện. Tuy nhiên do những thiết bị đời mới sử dụng nhiều chuẩn giao tiếp mới cũng như ngốn điện năng nhiều hơn nên việc sử dụng nguồn và case mới gần như là bắt buộc. Tuy nhiên ở điều kiện nước ta, bạn không có nhiều lựa chọn.

Ảnh hưởng của Vista đối với các màn hình trong tương lai có phần khó nhận thấy. Màn hình rộng (widescreen) hiện tại cho phép hiển thị độ phân giải rất cao như Dell 2407WFP. Nếu như bạn có phần cứng đồ họa với cơ cấu phối hợp co giãn của Vista, các loại kí tự sẽ được hiển thị chính xác. Một font 12-pts sẽ đúng 12 điểm trên màn hình. Điều này mở ra nhiều khả năng mới cho vấn đề hiển thị trên những màn hình có mật độ pixel dày đặc cho phép độ phân giải lớn. Lưu ý, màn hình cỡ lớn sẽ yêu cầu giao tiếp DVI DualLink hoặc một số kiểu giao tiếp cao cấp khác để có thể truyền tải đầy đủ dữ liệu từ card đồ họa tới bộ phận hiển thị. Ngoài ra, màn hình tương thích Windows Vista sẽ phải hỗ trợ các phương án bảo vệ bản quyền số HDCP. Đây sẽ là chuẩn bắt buộc đối với các ứng dụng trình diễn nội dung đa phương tiện số. Một vấn đề nữa cũng đang ngày càng có ảnh hưởng lớn đó chính là giao tiếp vật lý: Hiện tại vẫn chỉ có một số ít máy tính có cổng HDMI nhưng cuộc chiến để giành vị trí thay thế cho VGA và DVI hiện tại sẽ diễn ra giữa hai chuẩn DP (DisplayPort) và UDI (Universal Display Interface). DP là chuẩn mới của VESA còn UDI của UDI SIG. Cả hai đều là những tập đoàn phần cứng lớn, có ảnh hưởng, trong đó VESA đã nổi tiếng trong giới PC từ lâu, còn UDI-SIG lại đại diện cho các công ty tên tuổi như Intel, Apple, Silicon Image... Hiện tại vẫn chưa thể nói trước được điều gì nhưng DP là chuẩn miễn phí, trong khi UDI có thế mạnh vì tương thích với HDMI. Cả hai giao tiếp đều cung cấp băng thông số rộng với nhiều kiểu mã hóa khác nhau.

Trong một vài năm qua, bộ nguồn của máy tính (Power Supply Unit – PSU) càng ngày càng được người mua hàng trong nước chú trọng hơn.

Như đề cập ở trên, một chiếc máy tính cấu hình mạnh tương thích được với Vista Premium sẽ yêu cầu năng lượng nguồn tương đối lớn. Card đồ họa cao cấp với DirectX 10 và công nghệ đồ họa kép, CPU Dual Core hay Quad Core, RAM dung lượng lớn, ổ cứng tốc độ cao, ổ ghi quang thế hệ mới, tất cả đều ngốn điện khủng khiếp. Có thể thấy, bộ nguồn công suất cao là yếu tố bắt buộc đầu tiên. Khi công suất tiêu thụ càng cao, hiệu suất nguồn đóng vai trò càng quan trọng. Mỗi bộ nguồn đều có một chỉ số về hiệu suất điện nhất định, con số này được quyết định bởi nhiều yếu tố nhưng nhìn chung, trong khi các loại nguồn thông dụng trên thị trường hiện nay chỉ đạt hiệu suất từ 65%-70% (các loại tốt hơn có thể đạt được 70%-75%) thì quả thực lượng điện tiêu phí khá nhiều. Ví dụ bộ nguồn có chỉ số hiệu suất là 70% (Efficiency) và nếu máy tính của bạn sử dụng khoảng 400W thì nguồn sẽ phải sử dụng công suất điện ngoài khoảng 570W để cấp đủ điện cho toàn hệ thống. Như vậy thay vì tìm cách giảm thiểu công suất điện của các thành phần trong máy (thường rất phức tạp) thì cách đơn giản nhất để tiết kiệm điện năng là chế tạo một bộ nguồn với hiệu suất cao. Song song với việc này là giảm nhiệt lượng sản sinh để vấn đề làm mát sẽ đơn giản hơn. Kết quả cuối cùng sẽ là một sản phẩm có chất lượng cao, giá thành rẻ và êm ái, phù hợp với nhu cầu sử dụng máy tính của đại đa số người dùng.

Nói chung, nên chọn bộ nguồn có công suất tối thiểu 500W hay cao hơn. Hiện tại đã xuất hiện loại nguồn công suất 1KW. Ngoài ra còn phải có các giao tiếp cung cấp điện đáp ứng được yêu cầu của phần cứng mới như đầu điện cho ổ cứng SATA, đầu cắm ATX 2.0 24 chân, đầu nối card đồ họa PCI-Express 6 chân (2 đầu cắm nếu bạn dự định sử dụng SLI của nVIDIA hoặc Crossfire của ATI về sau này) và một số bo mạch chủ mới, ví dụ Asus M2N32-SLI còn yêu cầu cả đường 12v EPS 8 chấu, dĩ nhiên các nguồn cũ vẫn có thể cắm được nhưng rõ ràng máy tính không có đủ nguồn nuôi để hoạt động ở hiệu năng cao nhất. Tốt hơn bạn nên chọn các sản phẩm có tên tuổi như PC Power & Cooling, MGE, Antec, Zippy, CoolerMaster, Seasonic... để đảm bảo hiệu năng và độ an toàn cao cho hệ thống thay vì những bộ nguồn rẻ tiền không rõ xuất xứ. Xu thế chung của bộ nguồn trong thời gian tới sẽ chú trọng vào 4 yếu tố chính: hiệu suất cao, độ ồn thấp, công suất lớn và bổ sung nhiều giao tiếp. Bốn yếu tố này hỗ trợ và bổ sung cho nhau.

Vai trò của case hiện nay quan trọng hơn nhiều chứ không đơn thuần chỉ là thứ để gá linh kiện như vài năm trước đây. Trước kia, nếu bạn đề cập đến vấn đề đưa đèn trang trí và các phụ kiện làm đẹp vào bên trong máy tính, người ta sẽ bảo rằng đó là điều không cần thiết. Khi đó người dùng chỉ quan tâm đến vấn đề "máy tính làm được gì ?" chứ chưa chú trọng "trông nó như thế nào?" hay "bền được bao lâu?". Trong khoảng 1 năm trở lại đây, vấn đề làm đẹp cho người bạn trung thành này đang dần được quan tâm vì máy tính không chỉ là một công cụ làm việc hay giải trí mà còn là một phần kiến trúc của văn phòng công ty hay phòng khách nhà bạn.

Hiện tại bạn có thể tìm thấy đủ mọi loại case với chất liệu khác nhau. Từ nhôm, thép, tôn, sắt, thép không rỉ cho tới mica, thủy tinh (hiếm hơn)... trong đó nhôm được ưa chuộng bậc nhất do tính thoát nhiệt nhanh, trọng lượng nhẹ, màu sắc đẹp. Đa số các case làm từ nhôm đều thuộc dòng cao cấp và là niềm tự hào của các nhà sản xuất chuyên nghiệp có tên tuổi như NZXT, CoolerMaster, LianLi... Với mức giá thấp, các loại case có nguồn gốc không rõ ràng đang tràn lan trên thị trường đều được tạo nên từ nhựa và tôn hoặc một số kim loại rẻ tiền. Chính vì thế chúng thường không bền, dễ bị ăn mòn và nhiễm từ làm ảnh hưởng tới các linh kiện máy tính đắt tiền bên trong. Chưa kể các chi tiết được chế tạo không chính xác khi lắp linh kiện vào sẽ bị lệch, gây méo hoặc cong, tệ hơn nữa có thể gây thương tích cho bạn khi cố gắng lắp ráp chúng lại với nhau.

Những yếu tố quan trọng đối với case bao gồm: không gian rộng rãi đủ chứa các thiết bị mới, bố trí vị trí các quạt thông gió và thành phần làm mát hợp lý, chất liệu phải đủ bền và không bị lưu nhiệt trong thùng máy. Nên chọn một case máy tính phù hợp vì nó sẽ gắn bó và bảo vệ các linh kiện quan trọng đắt tiền của bạn trong một thời gian dài về sau.

Nhìn chung, tư tưởng một máy tính làm tất cả mọi việc hiện không còn phù hợp. Mỗi người đều có những nhu cầu riêng, từ chơi game, làm việc văn phòng hay giải trí đa phương tiện, bản thân mỗi thành phần lại có những điểm khác biệt nhất định có tác động tới việc lựa chọn phần cứng tối ưu. Một chiếc máy tính đủ mạnh chơi game chưa chắc đã xem phim đẹp.

IV. Hệ điều hành

Windows Vista dĩ nhiên sẽ là hướng đi chủ đạo trong năm 2007, nếu sắm đầy đủ những linh kiện với chứng nhận Vista Capable bạn sẽ đáp ứng được tối thiểu cho Vista Home Basic, cao cấp hơn bạn sẽ phải cần tới Vista Premium Ready. Những yêu cầu chính của phiên bản HĐH mới này tập trung chủ yếu vào bo mạch chủ, CPU, VGA và một số thành phần thiết yếu bổ sung tính năng như ổ ghi, thiết bị thu phát tín hiệu TV...

Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là Windows phiên bản cũ đã hết thời. Với cấu hình máy mới hiện nay, bạn có thể chạy được đầy đủ Windows XP cả hai phiên bản X32 và X64 cùng với nhiều HĐH khác như Linux. Bạn nên tránh Windows XP Home và tập trung vào phiên bản Professional hoặc Media Center Edition, chúng có chung mã nguồn nhưng khác nhau một chút về tính năng hỗ trợ giải trí đa phương tiện. Nếu máy tính có trên 4GB ram, bạn nên chú ý đến HĐH 64-bit dù tính tương thích của chúng vào thời điểm hiện nay chưa được tốt.

Tất nhiên bài viết này chưa thể cung cấp thông tin thật đầy đủ và chi tiết, nếu cảm thấy phân vân, bạn có thể tham khảo thêm thông tin từ những nguồn tin cậy. Tuy vậy hãy nhớ rằng tháng tới hay thậm chí là năm tới đều không phải thời điểm lý tưởng để nâng cấp máy, lý tưởng nhất chính là khi bạn không còn hài lòng về chiếc máy đang sử dụng hoặc... mới trúng số.

->Xem chi tiết...

Tin tức sự kiện

Google